10 điểm du lịch nhất định phải đến ở thành phố Huế

Khi nhắc đến Huế, người ta không nhắc đến sự sôi động, náo nhiệt mà chính sự nhẹ nhàng nên thơ và những trang sử hào hùng gắn liền với mảnh đất nơi đây đã đi sâu vào lòng người. Để rồi ai cũng đem lòng yêu những nét đẹp ấy, khi chia xa sẽ có cảm giác nhớ nhung đến khó tả. Huế được gắn với thành phố Festival của Việt Nam, với con người dịu dàng , thân thiện. Và cùng với các di tích lịch sử lâu đời, thành phố Huế từ lâu luôn là địa điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hôm nay, Đại Mộc Travel sẽ chỉ ra cho các bạn 10 điểm bạn không nên bỏ qua khi đến với thành phố Huế nhé.

LĂNG MINH MẠNG

Lăng Minh Mạng là một mô hình kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ, bao gồm cung điện, đền miếu và đài tạ… được bố trí trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m từ Đại Hồng môn ở ngoài cùng tới chân tường của la thành sau mộ vua. Hình thế của lăng tựa dáng một người đang nằm nghỉ trong tư thế đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên. Lăng Minh mạng với hai hồ và kiến trúc trang hoàng tuyệt đẹp, là một trong những lăng tẩm uy nghi, đường bệ nhất trong các lăng tẩm của vua nhà Nguyễn.

LĂNG KHẢI ĐỊNH

Tổng thể của Lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc. Núi đồi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh Lăng được dùng làm các yếu tố phong thủy: tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường, thủy tụ, tạo cho lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất và là kiến trúc chính của Lăng. Công trình này gồm 5 phần liền nhau: hai bên là Tả, Hữu Trực phòng dành cho lính hộ lăng, phía trước là điện Khải Thành – nơi để án thờ và chân dung vua Khải Định, chính giữa là Bửu án, pho tượng nhà vua và mộ phần ở phía dưới, trong cùng là khám thờ với bài vị của vị vua quá cố. Lăng Khải Định là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh, đây thực sự là một công trình có giá trị nghệ thuật và kiến trúc.

LĂNG TỰ ĐỨC

Cảnh sắc của lăng Tự Đức tựa như một bức tranh mang đầy màu sắc cổ điển với những cây cầu bắc ngang qua con hồ nhỏ. Với những hàng thông xanh rì rào trong gió, khách du lịch sẽ được trải nghiệm trong một khoảng không gian trong lành, thoáng đãng, và không khó để có được một bức ảnh check in cực kì “cổ điển”, đậm đà màu sắc “cổ trang”. Lăng Tự Đức được xây dựng thể hiện rõ nét con người của nhà vua thời nhà Nguyễn: có sự uy nghiêm, uy quyền nhưng không kém phần nhẹ nhàng, thanh thoát, đầy chất văn thơ, nghệ sĩ. Những đầm sen bát ngát, những cây cầu nhỏ nhỏ bắc qua hồ, những khu đến chùa miếu mạo ngập mùi khói hương nghi ngút,… chắc chắc sẽ khiến cho khách du lịch có một chuyến đi không thể nào quên!

ĐẠI NỘI HUẾ

Là một công trình có quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam, Di tích Đại Nội Huế có quá trình xây dựng kéo dài tới 30 năm với hàng vạn người thi công cùng hàng loạt các công việc như lấp sông, đào hào, đắp thành, dời mộ… cùng khối lượng đất đá khổng lồ lên đến hàng triệu mét khối. Đến thăm quan quần thể di tích Đại Nội Huế, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm công trình cung điện nguy nga, đền đài và miếu thờ bề thế. Với vẻ đẹp tráng lệ và kiến trúc cung điện đắc sắc, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy thích thú trên hành trình thăm quan Đại Nội.

NHÀ VƯỜN AN HIÊN HUẾ

Kiến trúc chính của nhà vườn An Hiên là một ngôi nhà 3 gian 2 chái. Gian giữa là gian thờ, với nguyên tắc bày trí “tiền Phật hậu linh”. Hai gian hai bên là nơi tiếp khách theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ”, hai chái nhà cũng tương tự, bên trái là nơi sinh hoạt của nam và bên phải là nơi sinh hoạt của nữ. Lối vào nhà vườn là một cổng vòm nhỏ được xây dựng bằng gạch vôi vữa. Dọc theo lối đi là hai dãy cây mận trắng đan tầng vào nhau, tỏa bóng mát cả một vùng. Rẽ phía trái bạn sẽ nhìn thấy hồ nước hình chữ nhật được bao phủ hoàn toàn bởi hoa súng và hoa sen. Ngoài ra trong sân vườn còn trồng thêm rất nhiều loại cây ăn quả như quýt, măng cụt, sầu riêng, thanh long, mơ, hồng, vải thiều, thanh trà…Nếu bạn đến với xứ Huế thì không nên bỏ qua nơi này nhé.

CHÙA THIÊN MỤ

Chùa Thiên Mụ (hay còn gọi là chùa Linh Mụ) nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế chừng 5km về hướng Tây thuộc địa phận huyện Hương Trà. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601) đời chúa Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Những ai đến du lịch Huế đều ghé tham quan điểm tâm linh Chùa Thiên Mụ với tâm lí muốn cầu an may mắn cho người thân và bạn bè xung quanh. Chùa Thiên Mụ là một công trình phục vụ đời sống tâm linh của con người xứ Huế, cũng là một địa điểm góp phần rất lớn cho cảnh đẹp kinh đô Huế – nét đẹp đặc trưng riêng có ở mảnh đất thần thánh, điểm nhấn ấn tượng cho khách thập phương mỗi lần du lịch Huế

SO

SÔNG HƯƠNG

Từ xa xưa, sông Hương chảy qua những cánh rừng mang hương thơm thảo mộc. Khi đến với Huế, sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co mang theo hương thơm của cây cỏ thiên nhiên như một sự sắp đặt mà tạo hóa ban tặng cho miền đất này. Ngày nay khi du lịch Huế, bạn có thể đi trên thuyền để thăm quan và ngắm nhìn dòng sống Hương. Dòng sông Hương chảy lượn uốn quanh qua Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành và qua Đại nội, càng làm tô điểm thêm nét đẹp tự nhiên của một kinh đô phong kiến độc đáo này. Sông Hương có chiều dài tới tận 80km, riêng đoạn từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An dài 30km.

CHỢ ĐÔNG BA

Chợ Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo – vốn là con đường quan trọng của thành phố Huế. Nơi đây từ lâu đã là niềm tự hào của người dân Huế, là nơi thể hiện hơi thở, nhịp sống bao đời của đất Huế với gương mặt các dì, các mệ hồn hậu bên dãy hàng quán cùng trăm nghìn món ăn làm say lòng người. Bước chân vào chợ Đông Ba là bạn đã mở cánh cửa đến với thiên đường ẩm thực đậm chất miền Trung với bún bò giò heo chợ Đông Ba trứ danh, cơm hến đất cồn đúng chuẩn, bánh Huế đậm vị, bánh tráng Sịa, bún thịt nướng Kim Long, nem chả tré ở Phú Hòa, chè Truồi nấu với gừng tươi, nước mía Mỹ Lợi mát lành, chè hạt sen hồ Tịnh Tâm thơm ngọt dịu,…

CHỢ ĐÊM HUẾ

Còn chợ đêm ở Huế nằm trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, ngay gần Chợ Đông Ba thì đa phần là hàng quán ăn uống với nhiều đặc sản của Huế, kể tên như cơm hến, bún hến, chè huế, các loại bánh,…Dong chơi, khám phá Huế cả ngày rồi. Thong dong bằng xích lô đi dạo phố một vòng rồi qua Chợ đêm nhấm nháp những món ăn nhẹ thì nhất quả đất.

PHỐ TÂY

Nếu ở Sài Gòn có phố tây Bùi Viện, Hà Nội có phố tây Tạ Hiện thì Huế cũng không thua kém gì hai thành phố du lịch lớn này, Huế có phố tây Phạm Ngũ Lão. Nói là khu phố tây Phạm Ngũ Lão vì hầu như ở đây tập trung đông đúc nhất nhưng về đúng nghĩa thì khu phố tây còn mở rộng ra ở đoạn giao Lê Lợi hay Võ Thị Sáu. Nằm bên bờ Nam sông Hương, Phố tây Huế chính là điểm đến nhộn nhịp đã khiến cho bức tranh trầm mặc của Huế thêm một màu sắc phá cách. Hỏi người dân nơi đây về thời gian xuất hiện của phố Tây nhưng hầu như cũng không ai biết. Chắc có lẽ khi du lịch Huế dần phát triển, du khách nước ngoài đến đây nhiều hơn thì những bar, pub, lounge cũng dần mọc lên, trở thành điểm lui tới của nhiều khách tây.

Chúc bạn có những khoảng thời gian đáng nhớ khi du lịch thành Phố Huế! Hy vọng bài viết hữu ích với bạn

 

Bài viết liên quan